Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp: Lợi ích kép cho các doanh nghiệp
Áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất là những giải pháp đang được các đơn vị trong ngành công nghiệp ứng dụng nhằm tiết kiệm năng lượng và phát triển doanh nghiệp bền vững.
Giải pháp hiệu quả
Đại diện Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho biết, từ thực hiện kiểm toán năng lượng, công ty đã chọn ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng có hiệu quả cao vào áp dụng. Năm 2016, công ty đã tiết kiệm được sản lượng điện trên 2,798 triệu kWh/năm (tương đương 4,5 tỷ đồng).
Theo đại diện của Stanley Việt Nam, những giải pháp tiết kiệm được công ty áp dụng có hiệu quả là: Giải pháp cài đặt điều khiển hoạt động của động cơ hệ thống Cooling Tower theo nhiệt của nước làm mát cấp vào trong nhà máy, cài đặt lại áp suất làm việc của máy nén khí…, thành lập Ban Quản lý năng lượng, với nhiệm vụ ban hành chính sách năng lượng, kế hoạch tiết kiệm hàng năm và 5 năm.
“Tiết kiệm năng lượng với đơn vị không chỉ là ưu tiên hàng đầu, để giảm chi phí về năng lượng, mà còn nhằm giúp công ty tăng sức cạnh tranh. Mới đây, công ty đã dành được danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh “5 sao” trong sản xuất công nghiệp do Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (UBND TP Hà Nội) phối hợp cùng Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức”, đại diện của Stanley Việt Nam chia sẻ thêm.
Sử dụng năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí là cơ hội đánh thức tiềm năng, tiến tới phát triển bền vững cho doanh nghiệp – Ảnh: Ngọc Tuấn.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng GĐ Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, trong 3 năm qua (từ 2014 đến nay) công ty đã tự động hóa điều khiển các thiết bị máy móc nhằm tiết kiệm năng lượng như: Quá trình cắt ống, uốn tạo dáng, nối ống… các dây chuyền công nghệ được lập trình và điều khiển tự động hoàn toàn.
Trong nhiều giải pháp tiết kiệm điện đã được đơn vị thực hiện thì giải pháp có mức tiết kiệm cao nhất là lắp biến tần cho các động cơ dây trong dây chuyền, phụ tải thay đổi với mức tiết kiệm lên đến 16,5%/năm.
Theo ông Thăng: “Trong 3 năm gần đây, tổng mức năng lượng tiết kiệm của công ty đạt 731.772 kWh điện, tương đương lượng tiền tiết kiệm 1,18 tỷ đồng. Kế hoạch tiết kiệm năng lượng của công ty trong 5 năm tiếp theo là trên 1 triệu kWh điện”.
Đánh thức tiềm năng
Theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, ngành dệt, may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%…
Lý do của việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn liền với mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Vì vậy cần sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của cả Chính phủ và các doanh nghiệp, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía nguồn cung, thì tiết kiệm năng lượng trong sản xuất phải là bắt buộc chứ không chỉ là “cần lựa chọn”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 03/09/2017 ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của năm 2016. Theo đó toàn quốc có trên 2.400 cơ sở, với tổng mức tiêu thụ trên 18,3 triệu TOE, trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm này là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Các doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị bởi trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng luôn cao hơn so với chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được từ tiết kiệm có thể bù đắp cho chi phí đầu tư chỉ trong một thời gian không lâu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ về chính sách, nguồn tài chính cùng với chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài.
Theo bà Sonia Lioret, Cố vấn kỹ thuật và Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam khá cao, lên tới 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Cá biệt có một số ngành tiềm năng này còn cao hơn, như ngành xi măng tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên đến 50%.
Hiện GIZ đang hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, như đưa mô hình Mạng lưới Hiệu quả năng lượng đến Việt Nam. Tại Đức, mô hình này hoạt động rất tốt và giúp các công ty tiết kiệm năng lượng.
Không những vậy, mô hình này còn hoạt động tốt ở nhiều nước khác. Nguyên nhân là vì khi tham gia mạng lưới, các công ty có điều kiện chia sẻ kiến thức, kết nối và tiếp cận được với các kiến thức chuyên môn về hiệu quả năng lượng với chi phí rẻ hơn, cũng như được hỗ trợ kiểm toán năng lượng. Họ được tìm hiểu về các giải pháp tối ưu để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã thành lập mô hình đầu tiên của Mạng lưới Hiệu quả năng lượng với 08 công ty, họ đều tham gia rất nhiệt tình. Với các biện pháp đơn giản, dễ triển khai với mức đầu tư thấp, 08 công ty này có thể tiết kiệm được 260,000 đô la Mỹ chi phí tiền điện năng trong một năm. Tham gia Mạng lưới đã giúp họ tiết kiệm được chi phí. Chúng tôi nhận thấy mô hình này có thể thành công tại Việt Nam, và dự định sẽ nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều Mạng lưới Hiệu quả năng lượng trong cả nước, bà Sonia Lioret cho biết.
Giải thưởng Quốc gia về Hiệu quả Năng lượng trong Công nghiệp năm 2017 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), diễn ra từ ngày 20/11/2017 đến cuối tháng 1/2018.
- Đây là một sáng kiến nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững.
- Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có mức tiêu thụ năng lượng từ 300 TOE một năm và đã thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011 – 2016.